Thấu hiểu quỹ đầu tư mạo hiểm phần 3
Phần 3: Các công ty khởi nghiệp tăng trưởng nhanh
Có nhiều thắc mắc về đối tượng mà các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ quan tâm. Chân dung các doanh nghiệp này như thế nào và logic đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với các doanh nghiệp này là điều mà chúng tôi sẽ thảo luận trong bài viết hôm nay.
Các doanh nghiệp cổ điển thông thường sẽ quyết định một thị trường nào đó để tham gia, sản xuất sản phẩm và dịch vụ rồi tìm cách để có các khách hàng đầu tiên. Dần dần tăng số lượng khách hàng trả tiền cho sản phẩm. Sau 3-4 năm tăng trưởng ổn định, kiểm soát chi phí và tăng dần lợi nhuận biên, các doanh nghiệp này tiếp tục cạnh tranh đến khi miếng bánh thị trường được chia và các chủ doanh nghiệp hưởng lợi từ các khoản đầu tư của mình, dĩ nhiên, một cách từ từ, sau khoảng 15-20 năm. Loại doanh nghiệp này sẽ thích dùng vốn vay hơn vì lợi nhuận của họ được lên kế hoạch để bù đắp các khoản tái đầu tư và vốn vay là dòng vốn rẻ như chúng ta đã biết.
Bức tranh hoàn toàn thay đổi khi chúng ta bàn về quỹ đầu tư mạo hiểm. Mục tiêu thành công của quỹ và nhà quản lý quỹ là gia tăng phần tài sản mà họ đang quản lý. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi định giá của doanh nghiệp mà họ đầu tư tăng lên, và phải tăng nhanh. Từ đó, quỹ có thể thoái vốn bằng cách bán lại cổ phần hoặc IPO. Với vòng đời thường là 10 năm, các quỹ mong muốn thoái vốn một phần hoặc tất cả trong khoảng 3-7 năm. Điều này, đối với doanh nghiệp nhận đầu tư, có nghĩa là tốc độ tăng trưởng của họ phải vượt bậc trong khoảng thời gian này.
Ngành Đầu tư mạo hiểm được dẫn dắt bởi hy vọng tìm kiếm được 1 số ít các doanh nghiệp thành công và thành công đó phải lớn, gây tiếng vang và có giá trị cao. Trong danh mục đầu tư của các quỹ, 10 thương vụ thất bại sẽ có thể được cứu vãn bằng chỉ 1 thương vụ thành công. Một thương vụ thành công rực rỡ dạng Megahit có thể đẩy nhanh sự phát triển của cả ngành.
Các megahit này sẽ được gọi bằng cái tên mỹ miều: “Unicorn”, là các startups có định giá trên 1 tỷ USD.
Thông thường các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng tiêu chí (1) tốc độ tăng trưởng cao và (2) khả năng mở rộng nhanh là các doanh nghiệp có khả năng công nghệ đột phá (disruptive innovation). Giống như trường hợp UBER đã thực hiện được đối với ngành taxi.
Công nghệ hiện nay giúp cho số lượng người dùng tăng trưởng hầu như không giới hạn. Các mạng xã hội đang vận hành với số lượng người dùng bằng dân số những quốc gia đông dân nhất thế giới, điều mà trước đây, các doanh nghiệp tư nhân không thể nào mơ tới.
Chi phí để phục vụ một khách hàng mới hiện nay hầu như không đáng kể với các ngành công nghệ nhờ vào hạ tầng mạng phủ khắp và khả năng tự động hoá rất cao.
Như vậy, chúng ta thấy rõ rằng: VC là những thợ săn unicorn.
Tuy nhiên, trong thực tế không dễ để phân biệt một con unicorn thực sự và một con ngựa già màu mè sặc sỡ.
Một startup cùng thời với tượng đài Amazon mà cái tên giờ đây ít người còn nhớ đến. Đó là Webvan, Thành lập năm 1996 với mô hình tạp hoá online, Webvan là một trong số những kẻ khai phát với định giá sau lần IPO chỉ sau 3 năm thành lập là 4.8 tỉ USD. Webvan phá sản sau khi IPO chỉ 2 năm. Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra và phần lớn trong số đó trở thành bài học cho một unicorn thực sự cùng thời là Amazon.
Những nhà đầu tư cho Webvan qua các giai đoạn bao gồm nhiều tên tuổi lừng lẫy như Benchmark, Goldman Sachs, Softbank, Sequoia, Yahoo,… Ngay cả những cặp mắt siêu đẳng và đầy kinh nghiệm của ngành Đầu tư Mạo Hiểm cũng đôi lúc nhầm lẫn ngựa già và unicorn là vậy. Tuy nhiên, luôn nhớ rằng: thất bại là một phần của quá trình đầu tư mạo hiểm. Sequoia cũng đã có nhiều thành tích (traction) đáng ngưỡng mộ như đầu tư vào Google cùng Kleiner Perkins để không có quá nhiều người nhớ đến thất bại Webvan của họ nữa. Đến nay Sequoia vẫn là một trong số các công ty quản lý quỹ VC được tin tưởng nhất.
Ngành đầu tư mạo hiểm tồn tại và phát triển dựa trên nguyên lý “Hits Driven”, rất tương đồng các ngành đào vàng, thăm dò dầu khí, thám hiểm vũ trụ, âm nhạc, văn học hay điện ảnh. Nhà đầu tư vào các ngành này thường phải nhìn trước được một viễn cảnh thành công, chịu mạo hiểm đầu tư tiền bạc, thời gian và công sức để theo đuổi niềm tin. Với một chút may mắn, nếu thành công, sẽ là một thành công vượt bậc.
Trong giới văn học, ta có thể lấy J.K. Rowling làm ví dụ cho một entrepreneur. Cuốn “Harry Potter và hòn đá tiên tri” được nộp bản thảo cho 12 nhà xuất bản và đều bị từ chối. Chắc rằng có nhà sáng lập hay đi pitch sẽ thấu hiểu nỗi đau này. Khi Bloomsbury quyết định xuất bản cuốn sách, bản thân họ cũng như một nhà đầu tư mạo hiểm. Cho đến nay, Harry Potter vẫn là điểm sáng trong danh mục đầu tư của hãng này với 13% đóng góp vào lợi nhuận của năm 2018.
Nhà đầu tư mạo hiểm không quan tâm đến một startup có lợi nhuận đều đặn.
Nguồn: Nguyễn Ngọc Tiến Wiziin